Sau cuộc Bầu cử tại Vương Quốc Anh vào ngày 4/7/2024, Chính phủ đã tái giới thiệu Dự Luật Trọng tài 2024 (Arbitration Bill 2024) (“Dự Luật”) nhằm thực hiện các khuyến nghị do Ủy ban Pháp luật đưa ra vào năm 2023 về việc sửa đổi Đạo luật Trọng tài 1996. Dự luật đã được xem xét bởi Thượng Viện (House of Lords) và đưa đến Hạ Viện (House of Commons) ngày 6/11/2024.
Dự Luật sẽ thúc đẩy giải quyết tranh chấp hiệu quả, tạo ra những ảnh hưởng tích cực với hoạt động trọng tài tại Vương Quốc Anh với những trọng tâm thay đổi như sau:
• Luật của thỏa thuận trọng tài (Điều 1 Dự Luật): Sau phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Enka v Chubb, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề luật áp dụng cho thỏa thuận trọng tài nên được đề cập rõ ràng hơn trong luật. Sau khi Dự Luật được thông qua, nếu các bên không quy định luật điều chỉnh cho thỏa thuận trọng tài, thì luật điều chỉnh sẽ là luật địa điểm trọng tài (law of the seat).
• Nghĩa vụ tiết lộ thông tin của trọng tài viên (Điều 2 Dự Luật): Dự Luật tạo ra một nghĩa vụ pháp lý yêu cầu các trọng tài viên (hoặc những trọng tài viên tiềm năng) phải tiết lộ bất kỳ “tình huống liên quan” (relevant circumstances) nào có thể đặt ra nghi vấn về tính khách quan của trọng tài viên trong quá trình tố tụng. Nghĩa vụ này mở rộng đến cả các tình huống mà trọng tài viên biết hoặc nên biết.
• Miễn trừ trách nhiệm cho trọng tài viên (Điều 3 và 4 Dự Luật): Dự Luật đã mở rộng việc miễn trách nhiệm cho trọng tài viên nếu họ từ chức hợp lý hoặc trường hợp khi có một bên nộp đơn lên tòa để thay đổi trọng tài viên. Trọng tài viên sẽ được miễn trừ trách nhiệm trừ khi có minh chứng rằng việc từ chức là không hợp lý hoặc có hành động, thiếu sót liên quan đến thủ tục tố tụng một cách ác ý (bad faith).
• Trọng tài viên khẩn cấp sẽ có quyền ban hành các lệnh tức thời (peremptory orders) có thể được tòa án thi hành (Điều 8 Dự Luật)
• Phản đối thẩm quyền hội đồng trọng tài. Một bên đã tham gia trọng tài và phản đối thẩm quyền của hội đồng, và sau đó đã nhận được quyết định về thẩm quyền từ hội đồng, sẽ chỉ có thể phản đối quyết định đó mà không có lập luận mới, không có bằng chứng mới và không tái xem xét bằng chứng (trừ khi tòa án có quyết định khác nhằm đảm bảo công lý).
• Tòa án có quyền đối với bên thứ ba liên quan đến việc thu thập lời khai nhân chứng, các biện pháp khẩn cấp tạm thời, bảo vệ bằng chứng, tài sản,…
• Trọng tài viên sẽ có quyền đưa ra phán quyết tóm tắt (summary awards) đối với các vấn đề khởi kiện không có triển vọng thành công thực sự.
Cải cách Đạo luật Trọng tài 1996 là một bước đi quan trọng của Vương Quốc Anh trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và cạnh tranh của hệ thống trọng tài, khẳng định vị thế của một địa điểm trọng tài trọng tài quốc tế hàng đầu. Cùng lúc đó, Việt Nam cũng đang trong quá trình sửa đổi Luật Trọng tài thương mại 2010. Do vậy, từ những kinh nghiệm nêu trên của Vương Quốc Anh, Việt Nam nên cân nhắc trong quá trình chuyển mình trở thành địa điểm trọng tài quốc tế trong tương lai.
Theo đó, những thay đổi phù hợp mà Việt Nam có thể tham khảo đó là: (i) Luật của địa điểm trọng là sẽ là luật của thỏa thuận trọng tài khi không có quy định của các bên; (ii) Miễn trừ trách nhiệm cho trọng tài viên trừ khi hành động hoặc thiếu soát của trọng tài viên được chứng minh là có ác ý. Trên thực tế, Việt Nam thậm chí còn ràng buộc trách nhiệm của trọng tài viên tại Điều 49.5 Luật Trọng tài thương mại 2010 đối với thiệt hại do quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho hội đồng trọng tài ban hành. Thực tiễn năm 2016 cũng đã ghi nhận trường hợp một bên kiện hội đồng trọng tài ra tòa án ngay sau nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Vui lòng xem thông tin toàn văn của Dự Luật tại: https://publications.parliament.uk/.../59-01/0057/240057.pdf