Vào chiều ngày 07/03/2025, buổi tọa đàm trực tuyến thứ tư với chủ đề “QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC VÀ KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO” đã diễn ra thành công, thu hút gần 120 người tham dự.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả và khán giả đã thảo luận về các yếu tố quan trọng trong quản trị nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng lãnh đạo trong các công ty luật dựa trên Các sáng kiến của Hiệp hội Luật sư Quốc tế (IBA) về nguồn nhân lực.
Buổi tọa đàm đã được tổ chức với sự tham gia của điều phối viên cùng các diễn giả:
- Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc, ADR Vietnam Chambers (Điều phối viên)
- Luật sư Ngô Thanh Tùng, Luật sư Điều hành, Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF) (Điều phối viên)
- Luật sư Đặng Vũ Minh Hà, Luật sư Thành viên, Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc Lập (Dzungsrt & Associates LLC) (Diễn giả)
- Luật sư Phạm Quốc Tuấn, Luật sư Điều hành, Công ty Luật DIMAC (Diễn giả).
Các nội dung chính:
1. Vấn đề đào tạo nội bộ của công ty: Các diễn giả đã chia sẻ cách công ty mình đào tạo nhân sự các cấp. Một số cách đào tạo hiệu quả được nhiều công ty áp dụng bao gồm: tổ chức và phân chia nghiên cứu và thuyết trình theo chủ đề, tài trợ tham gia các khóa học trong và ngoài nước phù hợp theo từng lĩnh vực, vv.
2. Vấn đề tuyển dụng và giữ chân nhân sự: Các diễn giả chia sẻ quan điểm về việc tuyển dụng “người tài”, đồng thời thảo luận về những yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng và những kì vọng của người lao động. Các luật sư đều nhất trí rằng để giữ chân nhân sự, công ty cần đảm bảo những yếu tố như phúc lợi, đãi ngộ và đáp ứng một số yêu cầu chính đáng của nhân viên.
3. Quản lý hiệu suất: Đây là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả trong cả các buổi tọa đàm trước. Những câu hỏi liên quan đến việc đặt ra KPI về số giờ tính phí cho nhân viên (billable hour), cách tính hiệu quả công việc thông qua billable hour, vv. được đặt ra với các diễn giả. Các luật sư đã chia sẻ về quan điểm của cá nhân và cách thức mà công ty mình đang áp dụng cho vấn đề này.
4. Chế độ lương thưởng và phúc lợi: Các diễn giả và khán giả đều nhất trí rằng đây là một trong những vấn đề quan trọng đối với cả nhân viên và các luật sư thành viên (partners). Mặc dù mỗi công ty có các chế độ khác nhau, song đều hướng tới cân bằng quyền lợi của nhân viên và công ty ở mức hợp lý, đảm bảo nhân viên được hưởng đãi ngộ xứng đáng với thành quả lao động, tạo động lực làm việc và phát triển công ty.
5. Xử lý các vấn đề phát sinh: Trong quá trình tuyển dụng, việc phát sinh những vấn đề ngoài ý muốn như năng lực của nhân sự được tuyển không đạt kỳ vọng như khi phỏng vấn, hoặc nhân sự trong quá trình làm việc bộc lộ những phẩm chất không phù hợp với công ty đôi khi không tránh khỏi. Các diễn giả với tư cách là những người tuyển dụng đã thảo luận về nguyên nhân dẫn đến những trường hợp này, đồng thời chia sẻ cách hạn chế và khắc phục khi có vấn đề phát sinh.
6. Phát triển sự nghiệp: Các nhân viên hầu hết đều mong muốn có một lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng, đây cũng là câu hỏi mà nhiều ứng viên đặt ra đối với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Theo các diễn giả, mỗi công ty có những bộ tiêu chí khác nhau để đánh giá việc một nhân sự có đáp ứng các điều kiện để được “thăng tiến” hay không. Các tiêu chí này khác nhau trong từng công ty phụ thuộc vào các yếu tố như quy mô, văn hóa công ty.
7. Văn hóa công ty: Một trong những điều quan trọng để tạo động lực làm việc cho nhân viên là xây dựng môi trường công sở lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân viên công ty. Các cách được một số công ty áp dụng bao gồm loại bỏ các nhân tố gây xung đột và làm ảnh hưởng nội bộ công ty, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao để giúp nhân viên giảm căng thẳng,...
Ngoài ra, buổi tọa đàm còn thực hiện một khảo sát mini về những chính sách được các công ty áp dụng quản trị nguồn nhân lực và kỹ năng lãnh đạo. Kết quả khảo sát như sau:
- 70% các công ty cho phép các luật sư thương mại làm nhiều hơn ngoài công việc giấy tờ và sắp xếp tài liệu trong các giao dịch.
- 68% các công ty (i) tổ chức các buổi tập huấn các nhóm kỹ năng thực hành để phù hợp với từng nhóm luật sư và (ii) khuyến khích các luật sư trẻ tham gia vào các hội nhóm quan trọng trong công ty (chuyên môn, phát triển kinh doanh, tiếp thị, công nghệ,...)
- Từ 50-55% các công ty (i) tổ chức và khuyến khích tham gia vào các sự kiện cộng đồng và hoạt động xã hội; (ii) tạo điều kiện cho các luật sư tranh tụng trẻ có nhiều cơ hội thực hành tranh tụng hơn ngay từ giai đoạn sớm trong sự nghiệp; (iii) chia sẻ cho nhân viên tình hình kinh tế của công ty; và (iv) có các biện pháp để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho luật sư.
- 45% các công ty (i) cho phép hình thức làm việc kết hợp giữa từ xa và trực tiếp (hybrid); và (ii) hỗ trợ nhân viên việc đóng phí thành viên Đoàn luật sư.
- Từ 30-38% các công ty (i) Có cách tiếp cận hiệu quả trong việc quản lý và làm việc với đội ngũ nhân lực trẻ (GenZ); (ii) đầu tư vào các công nghệ cụ thể dựa trên khuyến nghị và kinh nghiệm của các luật sư trẻ và nhân viên; và (iii) hỗ trợ nhân viên chi phí học lớp đào tạo nghề luật sư.
---
Buổi Tọa đàm Chủ đề 5 với chủ đề “Chiến lược và Tài chính – Billing & Tăng trưởng doanh thu” sẽ được tổ chức vào lúc 15h00 ngày 14/03/2025 (Thứ Sáu). Link đăng ký tham gia: https://bitly.cx/ZCx2R
Thông tin chi tiết của các Chủ đề còn lại thuộc Chuỗi sự kiện “Quản Trị Hãng Luật Trực Tuyến 2025” với chủ đề “Quản trị công ty luật chuyên nghiệp – Những câu chuyện thật và hư cấu” xem tại: https://adr.com.vn/vi/tin-tuc/gioi-thieu-chuoi-su-kien-quan-tri-hang-luat-truc-tuyen-2025-voi-chu-de-quan-tri-cong-ty-luat-chuyen-nghiep-nhung-cau-chuyen-that-va-hu-cau
#ADRVietnamChambers #quantrihangluat