Vào Chiều ngày 28/2/2025, buổi tọa đàm trực tuyến thứ ba với Chủ đề “Phát triển kinh doanh & Tiếp thị”, thuộc Chuỗi sự kiện “Quản Trị Hãng Luật Trực Tuyến 2025 - Quản trị công ty luật chuyên nghiệp – Những câu chuyện thật và hư cấu” đã được tổ chức thành công, thu hút gần 200 lượt đăng ký. Trong đó, số lượng người tham dự thời điểm cao nhất ghi nhận khoảng gần 180 người.
Buổi tọa đàm nhằm mục đích tìm hiểu cách các công ty luật có thể tiếp cận và thu hút khách hàng thông qua các chiến lược phát triển kinh doanh và marketing hiệu quả. Các điều phối viên và diễn giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề này, giải thích rằng mọi công ty luật, bất kể quy mô, đều phải chú trọng đến việc thu hút và giữ chân khách hàng để duy trì hoạt động của mình.
Buổi tọa đàm đã được tổ chức với sự tham gia của điều phối viên cùng các diễn giả:
- - Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc, ADR Vietnam Chambers (Điều phối viên)
- - Luật sư Phạm Bá Linh, Luật sư Điều hành, Lexcomm Vietnam LLC (Điều phối viên)
- - Luật sư Đặng Thế Đức, Luật sư Điều hành, Công ty Luật TNHH Tư vấn quốc tế (Indochine Counsel) (Diễn giả)
- - Luật sư Trần Hà Hân, Luật sư Thành viên, Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc Lập (Dzungsrt & Associates LLC) (Diễn giả)
- - Luật sư Lê Xuân Lộc, Luật sư Thành viên, Công ty Luật TNHH T&G (TGVN) (Diễn giả)
Nội dung chính của buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề sau:
- - Một luật sư giỏi có cần thiết phải marketing không, và nếu có thì marketing qua những kênh nào? Các diễn giả cho rằng nghề luật cũng là một nghề kinh doanh, và khách hàng là yếu tố quan trọng nhất. Mặc dù luật sư có giỏi đến đâu đều phải cần đến khách hàng. Ngoài ra, việc kết hợp giữa marketing trực tuyến và gặp gỡ trực tiếp khách hàng là rất quan trọng. Các kênh như LinkedIn rất hữu ích để tiếp cận khách hàng tiềm năng.
- - Vai trò marketing sẽ được ai đảm nhiệm (Luật sư thành viên, Senior, hay các vị trí Junior)? Nhiều công ty luật nhỏ và vừa chưa có bộ phận marketing chuyên nghiệp. Thường thì các luật sư sẽ tự làm marketing, và đôi khi các senior associate cũng tham gia vào quá trình này để giúp công ty tìm kiếm khách hàng. Ngoài ra, nhiều công ty luật hiện cũng khuyến khích các luật sư trẻ, luật sư tập sự tham gia vào việc marketing tùy vào kinh phí của mỗi công ty.
- - Bao nhiêu % doanh thu hàng năm cho marketing? Ngân sách marketing của công ty thường chiếm từ 5% đến 7% doanh thu hàng năm, tùy vào từng năm và mục tiêu kinh doanh.
- - Vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân (personal branding) và thương hiệu của công ty (firm branding), cũng như tầm quan trọng của website và social media trong việc định hình và phát triển thương hiệu công ty? Các diễn giả nhất trí cả hai loại thương hiệu này đều quan trọng. Thương hiệu cá nhân giúp khách hàng có sự tin tưởng vào một luật sư cụ thể, trong khi thương hiệu công ty giúp xây dựng niềm tin vào sự chuyên nghiệp và uy tín của cả đội ngũ. Website và social media đóng vai trò lớn trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu.
- - Xếp hạng của công ty trong các legal directories (ví dụ Legal500, Chambers and Partners, IFLR100, Asialaw,…) có quan trọng không? Việc có mặt trong các legal directories rất quan trọng vì nó giúp công ty được công nhận và tiếp cận khách hàng mới. Tuy nhiên, việc chuẩn bị các hồ sơ nộp để thẩm định (submission) phải rất kỹ lưỡng và chất lượng.
- - Nếu bạn là 1 firm nhỏ thì có nên tham gia vào network các lawfirm nhỏ để kết nối và hỗ trợ lẫn nhau hay không và có những network nào phổ biến? Các công ty luật nhỏ nên tham gia vào các mạng lưới để kết nối và hỗ trợ nhau, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh ngày nay. Những mạng lưới như ALFA International (https://www.alfainternational.com/) và các tổ chức quốc tế khác (IBA-International Bar Association, Lawasisa, IPBA – Inter Pacific Bar Association,…) là những lựa chọn tốt. Việt Nam còn có VBLC (Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế, thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
Ngoài ra, buổi tọa đàm còn cho thấy kết quả khảo sát đáng chú ý như sau:
1. Các kênh tiếp thị nào được sử dụng phổ biến bởi công ty luật:
- - Website: 84%
- - Mạng xã hội: LinkedIn, Facebook, Twitter, Instagram và Zalo,...: 80%
- - Tiếp thị trực tiếp khách hàng: 48%
- - Tài trợ hoặc tham gia các sự kiện (Sponsorship & Networking): 44%
- - Tham gia Mạng lưới các đối tác hoặc các hiệp hội nghề nghiệp (Associations): 43%
- - SEO: 25%
- - Viết blog: 25%
- - Danh sách thư mục (Directory listings): 11%
- - Tiếp thị trực tuyến: 10%
- - Gửi thư trực tiếp, quảng cáo trên truyền hình, quảng cáo trực tuyến: 10%
- - Quảng cáo trên ấn phẩm in ấn: 16%
- - Quảng cáo từ khóa (AdWords) và trả phí theo mỗi lần nhấp chuột (PPC): 7%
- - Video quảng cáo: 5%
- - Nền tảng Avvo (một trang web đánh giá và tư vấn luật sư): 2%
- - Khác: 13%
2. Các kênh liên lạc nào mà công ty luật sử dụng để giữ liên hệ với khách hàng?
- - Email: 89%
- - Gặp mặt trực tiếp (Face to face): 84%
- - Telephone/voice mail: 64%
- - Hội nghị trực tuyến: 44%
- - Lên lịch hẹn (Scheduling): 38%
- - Gọi video (Video conferencing): 36%
- - Tin nhắn văn bản (Text/SMS messaging): 33%
- - Chia sẻ tài liệu và biểu mẫu có thể điền: 25%
- - Thư bưu điện: 16%
- - Lập hóa đơn và thanh toán: 11%
- - Cổng thông tin khách hàng: 7%
- - Khác: 8%
---
Buổi Tọa đàm Chủ đề 4 với chủ đề "Quản trị nguồn nhân lực & Kỹ năng lãnh đạo" sẽ được tổ chức vào lúc 15h00 ngày 7/3/2025 (Thứ Sáu). Link đăng ký tham gia: https://bitly.cx/ISXT
Thông tin chi tiết của các Chủ đề còn lại thuộc Chuỗi sự kiện “Quản Trị Hãng Luật Trực Tuyến 2025” với chủ đề “Quản trị công ty luật chuyên nghiệp – Những câu chuyện thật và hư cấu” xem tại: https://adr.com.vn/.../gioi-thieu-chuoi-su-kien-quan-tri...